Chủ nhật, 26/03/2023 - 7 giờ 01 phút, sáng.

Thẩm tra TKCS-BVTC hạng mục khôi phục nâng cấp công trình chỉnh trị sông Quảng Huế

Ngày đăng: 06/02/2009 - 14:28

Hệ thống Vũ Gia – Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam với diện tích lưu vực tính tới cửa ra là 10350 km2. Hệ thống gồm 2 sông chính Vũ Gia ở phía Bắc và Thu Bồn ở phía Nam. Hai sông có liên hệ thủy lực qua khu vực sông Quảng Huế, nơi dòng chảy tập trung trong lòng dẫn về mùa kiệt và chảy tràn qua bãi từ sông Vũ Gia sang sông Thu Bồn vào mùa lũ.

Khu vực hạ lưu là vùng đồng bằng và các thành phố Đà Nẵng, Hội An, nơi có mật độ dân số cao và là trung tâm kinh tế xã hội của vùng nên nhu cầu về nguồn nước về mùa kiệt rất lớn, trong khi mùa lũ lại cần thiết chia nước cho nhánh Thu Bồn, nhằm giảm nhẹ tình hình lũ lụt cho đồng bằng.

Do chế độ thủy văn không đồng nhất với mùa lũ ngắn 4 tháng từ tháng IX đến tháng XII và tổng lượng dòng chảy trên 80% cả năm làm khu vực ngã ba Quảng Huế thường xuyên nước tràn bờ, xói bãi tạo lòng mới. Khi mùa kiệt đến, nếu để tự nhiên thì nước sông Vũ Gia chuyển hết sang Thu Bồn gây tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cho các huyện phía bắc tỉnh và thành phố Đà Nẵng.

Dòng Quảng Huế cho đến những năm 1995 đã có độ cong rất lớn, chiều dài đoạn sông cong bằng khoảng 4-5 lần bán kính cong và kết quả là lũ năm 1998, 1999, 2000 đã xảy ra cắt dòng tạo một dòng mới nối sang sông Thu Bồn với chiều dài 1,1 km, chiều rộng 80 – 100m. Về mặt thủy lực, đoạn sông cong cắt dòng là hoàn toàn logic vì dòng nước bao giờ cũng tìm đường đi ngắn nhất. Tuy nhiên nếu để dòng sông phát triển tự nhiên thì vào mùa cạn phần lớn dòng chảy từ thượng nguồn Vũ Gia sẽ chảy hết sang Thu Bồn gây tình trạng thiếu nước cho phần lưu vực phía Bắc, nơi có trên 14, 000 ha đất nông nghiệp và nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp của thành phố Đà Nẵng.

Để khắc phục tình trạng đó, tháng 3/2001 nhân dân địa phương đã xây dựng một đập tạm chặn dòng mới nhưng vẫn không đưa nước chảy về phía sông Ái Nghĩa như mong muốn. Tháng 6/2001, viện Khoa học Thủy lợi đã nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng đập chìm chặn cửa sông Quảng Huế mới. Tuy nhiên sau trận lũ tháng 10/2001, công trình xử lý trên lại tiếp tục bị phá hoại theo hướng dòng sông vẫn cắt dòng để tạo ra một chế độ thủy lực lợi nhất.

Với mong muốn đưa khu vực trở lại trạng thái trước năm 1998, một giải pháp tổng thể đã được đưa ra bao gồm:

– Nạo vét dòng Quảng Huế cũ và làm các công trình chỉnh trị kèm theo.

– Lấp sông Quảng Huế mới và các giải pháp gia cố không cho mở lại sông mới

– Lên đê bờ phải không cho nước tràn qua đoạn bờ phải thuộc xã Đại Cường để dẫn dòng chảy theo sông Vũ Gia và sông Quảng Huế cũ.

Dự án trên đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt và một số hạng mục đã được thực hiện. Tuy nhiên, một phần nguồn vốn thực hiện dự án vay của các tổ chức quốc tế nên các nhà tài trợ đề nghị phải đánh giá lại một cách toàn diện diễn biến của khu vực ngã ba sông Quảng Huế trong các điện kiện thủy lực khác nhau, nghĩa là nghiên cứu chế độ thủy lực, phân phối dòng chảy, diễn biến bồi xói cho khu vực nghiên cứu.

Photo Gallery

  • 214 lượt xem
  • Print Print